Alternative flash content

Requirements

Monday, 12 09th

Last updateFri, 26 Jul 2013 10am

Articles

(Tân Đại Thịnh) - Kova-Sơn NANO Composite từ vỏ trấu

kovaTrong hơn 250 khách tham dự hội thảo khoa học “Sơn nano composite từ vỏ trấu” do tập đoàn Kova tổ chức, có hai vị khách đến từ tập đoàn Grace Davision của Mỹ. Một vị là giám đốc tiếp thị và người còn lại là giám đốc kỹ thuật của vùng. Grace Davision là nhà sản xuất chất Colloidal hàng đầu thế giới với công nghệ điều chế đi từ một loại hóa chất là tetraEthoxySilane. Còn công nghệ sản xuất Colloidal của tập đoàn Kova phát triển và được trình bày tại hội thảo là từ vỏ trấu, một loại nguyên liệu không chỉ rẻ tiền mà rất sẵn có ở Việt Nam và nhiều nước châu Á khác.


Tại buổi hội thảo tuần rồi, Kova đã giới thiệu loại sơn chống đạn làm từ vỏ trấu do Việt Nam sản xuất. Ảnh: ĐỨC DUY

 Điều khiến Grace Davision quan tâm tới công nghệ sản xuất Colloidal của Kova không chỉ vì nó được làm từ vỏ trấu, mà còn vì quy trình sản xuất đơn giản nên có giá thành rất thấp, chỉ bằng một phần ba. Ngay sau hội thảo, các đại diện của Grace Davision và PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch tập đoàn Kova, đã ngồi lại làm việc với nhau. Rất có thể đây sẽ là bước khởi đầu cho sự hợp tác về công nghệ và thương mại giữa đôi bên.

Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Hòe, Colloidal là sự phân tán của các hạt nano SiO2 (Nano Silicat) trong chất lỏng. Các hạt có kích thước 5-120 nanomet, dày đặc, không xốp. Colloidal được coi như chất kết dính (binder) dùng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất chất phủ (sơn), phụ gia cho thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm...

Trong lĩnh vực chất phủ, Colloidal là chất kết dính, bóng, bền với ánh sáng và tia cực tím, chống thấm nước, hấp thụ mùi hôi, chống cháy, chống nóng và có độ cứng gần bằng Epoxy. Đây cũng là nguyên liệu chính trong ngành công nghiệp sản xuất sơn nano. Tùy thuộc vào cấp chất lượng, Colloidal chiếm tỷ trọng từ 2-50% trong thành phần của sơn nano.

“Kho vàng” ẩn trong vỏ trấu

Trong thành phần hóa học của vỏ trấu, SiO2 chiếm tới 9,5-10% khối lượng. Bà Hòe nhận thấy nếu chiết xuất được chất này để làm nguyên liệu sản xuất ra Nano Silicat, thì sẽ tận dụng được phế phẩm của ngành sản xuất lúa để tạo ra sản phẩm có giá trị cao và có tiềm năng ứng dụng lớn. Nếu ý tưởng này thành công nó còn có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và môi trường, góp phần gia tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Tập đoàn Sơn Kova hiện có 13 công ty thành viên và bảy nhà máy đặt tại năm quốc gia Singapore, Lào, Myanmar, Việt Nam và Campuchia.

Thế mạnh Sơn Kova có thế mạnh ở các dòng sản phẩm sơn phủ trang trí chống thấm, sơn Epoxy hệ nước và mới đây là dòng sơn nano từ vỏ trấu...

Website:  http://www.kovapaint.com

Sau nhiều năm nghiên cứu với chi phí hơn một triệu đô la Mỹ, tập đoàn Kova đã phát triển thành công quy trình công nghệ sản xuất Colloidal từ vỏ trấu. Bà Hòe tiết lộ: “Cứ 10 ki lô gam vỏ trấu chúng tôi sản xuất được một ki lô gam Colloidal”. Cũng theo bà, hiện nay giá Colloidal trên thị trường thế giới từ khoảng 10 đô la Mỹ cho tới vài chục đô la Mỹ cho mỗi ki lô gam, tùy thuộc nồng độ. Đồng thời, trước khi Kova sản xuất được nguyên liệu này, ngành sản xuất sơn nano của Việt Nam vẫn phải nhập hầu như toàn bộ Colloidal hoặc nguyên liệu để điều chế Colloidal từ nước ngoài. Vì vậy, có thể nói khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu của Kova là rất lớn.

Ngoài ra, trong quy trình công nghệ sản xuất Colloidal từ vỏ trấu của Kova còn sản sinh ra những phụ phẩm khác. Đó là năng lượng dưới dạng nhiệt và phần còn lại của vỏ trấu. Nếu tận dụng được phụ phẩm này để phát điện và làm phân bón thì hiệu quả sẽ còn lớn hơn.

Dù kết quả mới được công bố nhưng đã thu hút sự quan tâm của nhiều công ty ở các nước. Ngoài Grace Davision, hiện một công ty ở Đài Loan và một công ty khác ở Hàn Quốc cũng đang muốn tìm hiểu và bàn bạc về khả năng hợp tác thương mại hoặc chuyển giao công nghệ.

Ba sản phẩm từ vỏ trấu

Tại cuộc hội thảo vào tuần rồi, Kova đã giới thiệu các sản phẩm sơn nano với các tính năng đặc biệt được sản xuất từ nguyên liệu vỏ trấu, hay nói chính xác hơn là từ Colloidal làm từ vỏ trấu. Sản phẩm bao gồm: sơn chống đạn; sơn chống cháy; sơn kháng khuẩn. Trong đó, một số sản phẩm đã có mặt trên thị trường.

Sơn chống đạn là sản phẩm đầu tiên được sản xuất, giới thiệu tại Việt Nam và đã gây ấn tượng mạnh nơi nhiều khách tham dự hội thảo. Cách sử dụng là phủ lớp sơn chống đạn Kova lên vải Kevlar (vải làm áo giáp chống đạn) để tăng khả năng chống đạn cho áo giáp. Tại hội thảo, bà Hòe đã giải thích khá cặn kẽ những tính chất vật lý và hóa học giúp tạo ra tính năng chống đạn cho loại sơn đặc biệt này của Kova. Đồng thời, những kết quả thực nghiệm cũng được công bố. Kết quả thực nghiệm ở Campuchia cho thấy, bắn (súng lục) từ cự ly hai mét, viên đạn xuyên qua 12 lớp vải Kevlar, nhưng khi phủ sơn chống đạn Kova và bắn từ khoảng cách tương tự, đạn không thể xuyên thủng dù chỉ có sáu lớp vải.

Đại tướng Chan So Phc Tra, Phó tư lệnh lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia, người đã hỗ trợ Kova thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm, nói: “Khả năng tăng tính chống đạn của sơn Kova rất tốt. Sử dụng sản phẩm này không những áo giáp nhẹ hơn, mà binh sĩ cũng thấy thoải mái hơn. Tôi sẽ báo cáo Bộ Quốc phòng, Chính phủ Hoàng gia để xem xét khả năng sử dụng sản phẩm này”.

Bà Hòe cho biết vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm về loại sơn này, vì bà vẫn chưa hiểu hết cơ chế làm nên đặc tính chống đạn của sơn. Đồng thời, Kova cũng nghiên cứu để tìm ra các công thức nhằm tối ưu hóa khả năng chống đạn của sản phẩm này.

Đối với các doanh nghiệp tham gia hội thảo, sản phẩm được họ quan tâm nhiều nhất là sơn chống cháy, sau khi tận mắt xem lại băng hình thử nghiệm đốt thanh thép phủ sơn chống cháy bằng đèn khò. Sau khi đốt liên tục 5 giờ và nhiệt độ tại tâm điểm đốt lên đến 1.000 độ bách phân, sơn chỉ phồng lên mà không cháy lan. Đồng thời, nhiệt độ cao nhất ở lưng thanh thép (phần không phủ sơn) chỉ là 200 độ bách phân. “Nhiệt độ này không đủ để phá hủy kết cấu thép”, bà Hòe khẳng định.

Không chỉ sơn chống đạn và sơn chống cháy, sơn kháng khuẩn làm từ vỏ trấu cũng có đặc tính hơn hẳn những sơn có cùng tính năng khác. Với phong cách của nhà khoa học, mỗi đặc tính của từng loại sơn đều được bà Hòe giải thích khá cặn kẽ về cơ chế vật lý, hóa học. Dường như bà giải thích thuyết phục, nên những nhà khoa học đến từ một số trường đại học kỹ thuật ở TPHCM và một số chuyên gia kỹ thuật của các tập đoàn nước ngoài có mặt ở hội thảo đã không chất vấn hay thắc mắc.

Mỗi năm ngành nông nghiệp Việt Nam thải ra khoảng 10 triệu tấn vỏ trấu và cho đến nay phụ phẩm này chủ yếu được tận dụng làm chất đốt, phân bón. Công nghệ sản xuất sơn từ vỏ trấu của Kova đang mở ra cơ hội biến vỏ trấu thành sản phẩm có giá trị cao hơn nhiều lần so với sản phẩm chính là gạo, mang lại hy vọng tăng thu nhập cho người nông dân và cho cả nền kinh tế.

Đức Duy

Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

You are here: Home